23/10/13

HÃY NHÌN NHẬN LẠI TÀI CHÁNH CÁ NHÂN ĐỂ CÓ SỰ CHUẨN BỊ TỐT NHẤT

Chào bạn,

Nếu bạn đã đọc nhiều bài tổng hợp khác trên blog này, bạn sẽ hình dung được phần nào những giải pháp bảo đảm tài chánh của bản thân luôn nằm trong tầm kiểm soát. Trong bài này tôi xin tóm gọn lại vài ý chính. Để đo lường "sức khỏe" của túi tiền thì bạn hãy trả lời các câu hỏi thiết thực này:

1/ Bạn có bao nhiêu nguồn thu nhập? Trong đó có thu nhập thụ động hay không?

2/ Nếu chỉ có thu nhập chủ động (từ lao động, kinh doanh,...bắt buộc bạn phải nhúng tay vào công việc) thì bạn có tiết kiệm được một phần nguồn thu ấy không?

3/ Nếu bạn biết để dành 1 phần thu nhập thì nó chiếm bao nhiêu phần trăm tổng thu nhập?

4/ Với số tiền tiết kiệm ấy, bạn có khả năng tạm ngưng làm việc để tạo thu nhập trong bao lâu mà vẫn sống thoải mái? (đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu tuần/ tháng/ năm?) Muốn biết bao lâu thì dựa trên mức sống hằng ngày/ hằng tháng của bạn cần bao nhiêu tiền.

5/ Hiện tại bạn đang chịu trách nhiệm cho mọi chi phí của chính bản thân hay còn cho ai khác nữa?

6/ Nếu phải chu cấp cho người khác thì có bao nhiêu người đang phụ thuộc vào thu nhập của bạn? Hãy liệt kê danh sách những người đó ra và ước tính chi phí cho từng người phụ thuộc. Điều này khá quan trọng cho nên bạn phải ghi rõ càng chi tiết càng tốt; không những trong hiện tại mà nhu cầu tương lai.

7/ Điều quan trọng không phải chi phí bạn bỏ ra hằng tháng mà là khoản dành dụm còn lại. Với khoản tiền ấy (nếu có), bạn sử dụng như thế nào (cho những mục đích lâu dài không, có đầu tư gì hay không.....?)

8/ Trường hợp bạn đã tạo dựng một nguồn thu thụ động, tức là không cần phải tốn sức lao động và bắt buộc thời gian bạn có mặt, nguồn thu nhập ấy có đều đặn hay chưa? Đến từ đâu?

9/ Nếu bạn có nguồn thu nhập thụ động thì nó có bao quát hết mọi chi phí cơ bản trong sinh hoạt của bạn chưa? (Tôi nói đến chi phí thường nhật chứ không nói những khoản phát sinh hoặc nhu cầu tăng chất lượng mức sống).

Nếu câu trả lời là CÓ cho câu hỏi số 9 thì xin chúc mừng, bạn đã được tự do tài chính hoàn toàn. Mức độ sức khỏe túi tiền của bạn là trong tầm kiểm soát, bạn thoải mái xoay sở cho mọi nhu cầu cơ bản mà không còn lo lắng gì cả. Điều đó có ý nghĩa rất lớn, chứng tỏ tài chánh của bạn AN TOÀN. Nguồn thu nhập thụ động này có thể chưa nhiều như mong đợi, nhưng bạn lại an tâm vì tuy không phải bỏ thời gian lao động, nhưng kinh tế của bạn vẫn đảm bảo như cũ, mức sống cả nhà bạn không thay đổi xấu hơn.

Còn nếu đã có thu nhập thụ động nhưng nó chưa đủ chi trả cho đời sống hằng ngày thì bạn phải tim cách gia tăng nguồn thu ấy đồng thời giảm bớt các chi phí sinh hoạt không cần thiết.

Đối với thu nhập từ lao động, đòi hỏi sự có mặt của bạn, tôi xin nhắc lại: điều quan trọng nhất là bạn tiết kiệm được bao nhiêu%. Nếu bạn làm được điều đó thì hãy chuyển ngay một phần tiết kiệm ấy để đầu tư tạo ra một nguồn thu nhập thứ hai: nguồn thu thụ động. Như vậy kinh tế bản thân bạn mới ngày càng phát triển, vì không ai chắc chắn là ngày nào mình cũng có khả năng tạo ra tiền bạc một cách liên tục. "Làm khi lành để dành khi đau". Có rất nhiều nguyên nhân khiến công việc lao động tay chân/ trí óc/ kinh doanh của bạn bị gián đoạn, chắc chắn ảnh hưởng đến kinh tế bản thân bạn trước. Đó là khi sức khỏe sa sút, tai nạn bất ngờ, gia đình gặp chuyện cần bạn hỗ trợ, người quen nhờ giúp đỡ,...Vậy ngay từ bây giờ bạn hãy chịu khó dành ra 15 phút đọc lại bài viết này và tự trả lời 1 cách nghiêm túc các vấn đề quan trọng trên nhé.

Tôi mong là tài chánh của bạn được an toàn để hoàn tất mọi dự định trong cuộc đời mình nhé. Trong các bài tiếp theo tôi sẽ đề nghị một số giải pháp giúp bạn an tâm hơn trong lúc thu nhập chính của bạn chưa bảo đảm, nhất là còn nhiều người đang trông chờ bạn chu cấp hằng tháng. Mời bạn đón xem và tham khảo.

Chúc bạn vui khỏe.

Lê Thị Bích La.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét